Xã Duy Nghĩa nằm về phía đông của huyện Duy xuyên, cách trung tâm hành chính huyện khoảng 15km, diện tích tự nhiên khoảng 1444 ha. Dân số trên 12.215 người; gồm có 5 thôn. Phía đông giáp xã Duy Hải, phía tây giáp hai xã Duy Thành và Duy Vinh, phía nam giáp xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), phía Bắc giáp xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An). Duy Nghĩa được bao bọc bởi hai con sông lớn của xứ Quảng: Thu Bồn ở phía bắc và Trường Giang ở phía tây. Xã Duy Nghĩa hiện nay nằm trong vùng quy hoạch khu nghĩ dưỡng Nam Hội An và các dự án thành phần khác. Có cầu Cửa Đại nối liền với thành phố Hội An và tuyến đường Võ Chí Công vắt ngang qua với chiều dài gần 5km.
Trong kháng chiến nơi đây là vùng đất bị địch đánh phá vô cùng ác liệt, đạn bom cày xới, xơ xác tiêu điều, nhưng nhân dân Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên cùng với nhân dân vùng đông Quảng Nam đã đoàn kết một lòng quyết tâm theo Đảng đến cùng, trụ bám xây dựng quê hương, là nơi che dấu, chuyển tiếp súng đạn, lương thực thuốc men cho vùng căn cứ cách mạng, nơi có những rừng dừa nước để che bộ đội, để vây quân thù. Người dân Duy Nghĩa bất khất tình nghĩa, thuỷ chung có truyền thống đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do.
Ghi nhận những đóng góp của quân và dân Duy Nghĩa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Trong đó, có 03 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Cây, Nguyễn Thị Chín và Nguyễn Trường Tiến, có 1.058 liệt sỹ; 758 thương, bệnh binh; 286 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 687 huân chương kháng chiến 87 bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ. Đặc biệt, ngày 22/12/1994, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ và nhân dân xã Duy Nghĩa. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về những thành tích to lớn mà quân, dân Duy Nghĩa đạt được trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Phòng truyền thống cơ quan xã Duy Nghĩa
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Duy Nghĩa chỉ là vùng cát trắng trơ trọi đầy rẫy bom mìn, ngổn ngang dây kẽm gai và phế phẩm của Mỹ-ngụy để lại. Làng xóm tiêu điều, ruộng vườn hoang hóa, cỏ lùng cỏ may mọc hút tầm mắt. Chiến tranh ác liệt, giặc giết người, đốt nhà, cày xới ruộng vườn, làng xóm, người dân buộc phải dìu dắt nhau tản cư chạy giặc khắp nơi, người ra Đà Nẵng, người chạy lên Hội An, người theo cách mạng lên trụ bám tại Xuyên Trà ( xã Duy Trung)...
Hòa bình, nhân dân Duy Nghĩa về quê dựng lại nhà cửa, khai hoang vỡ hóa, rà phá bom mìn để lấy đất làm vườn, cấy lúa, trồng khoai, trồng sắn lo cái ăn qua ngày. Nhớ lại những năm tháng ấy, nhiều vị cao niên ở đây không khỏi chạnh lòng khi nhắc lại chuyện Duy Nghĩa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất. Xã Duy Nghĩa chung lúc bấy giờ gồm 10 thôn với hơn 11 nghìn nhân khẩu hầu như phải nhận sự cứu trợ lương thực (chủ yếu là bo bo và sắn lát) thường xuyên của huyện, tỉnh. Nhân dân sống đói khổ trong những ngôi nhà tranh tre tạm bợ, làng xóm lạnh lẽo, ban đêm trên vùng quê nghèo hắt hiu dưới những ngọn đèn dầu tù mù...
Những khó khăn cực nhọc một thời gắn chặt với người dân vùng cát Duy Nghĩa bây giờ cũng đã trở thành ký ức. Duy Nghĩa đã thay da đổi thịt rất nhiều.
Khu đô thị Nồi Rang
Hôm nay đến với Duy Nghĩa , được nghe nhiều câu chuyện thú vị và chứng kiến sự đổi thay của vùng cát. Thật ngỡ ngàng, trên các trục đường, đâu cũng thấy nhà ngói, nhà đúc kiên cố. Nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà vườn mọc lên dọc tuyến DH6 dẫn về xã. Trong các thôn xóm, đường bê tông nông thôn đã phủ kín hệ thống giao thông. Đến nay, 100% hộ dân trong xã đã có điện thắp sáng; nhà nào cũng có 2 - 3 xe máy, ti vi; hệ thống thông tin liên lạc đưa về tận nơi; nhiều nhà đã sắm được ô tô và các phương tiện sinh hoạt cao cấp khác... Đời sống của đại bộ phận nhân dân đã nâng cao hơn rất nhiều; các gia đình chính sách, có công với cách mạng được chăm lo chu đáo. Đã qua rồi cái thời “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” câu ca đau đáu một thời diễn tả cuộc sống khó khăn người dân nơi đây.
Người dân Duy Nghĩa hôm nay đã bắt nhịp với đời sống hiện đại, công nghiệp hóa. Thanh niên được đào tạo vào làm công nhân ở các khu công nghiệp, làm nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch - khách sạn - nhà hàng ngay trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, Duy Nghĩa bây giờ đã xuất hiện nhiều danh nhân trẻ với quyết tâm xây dựng quê hương ngày một phát triển. Ngoài sự phát triển về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ,... sự đổi thay của Duy Nghĩa còn ở việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, phá thế độc canh cây khoai lang, xen canh cây màu, trồng cây công nghiệp ngắn ngày,... phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trên lĩnh vực nuôi trồng, khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện, ngư cụ hiện đại để đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuyến đường Võ Chí Công Nhà lưu trú công nhân Nam Hội An
Tuyến đường du lịch một chiều ven biển Võ Chí Công như dải lụa vắt ngang mảnh đất Duy Nghĩa dài gần 5km, con lương chính giữa trồng hoa cây cảnh, hai bên tuyến đường trồng cây dừa và cây chà là trông rất đẹp, đêm đêm điện đường sáng choang là một trong những dấu hiệu cho sự đổi đời của vùng cát ven biển bao năm ngủ yên trong đói nghèo và hiu quạnh. Trên mảnh đất này, nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An với cả tỷ USD vốn đầu tư đã, đang và sẽ mọc lên ven biển quanh năm rì rào sóng vỗ. Tất cả góp phần minh chứng hùng hồn cho sự bứt phá đi lên ngoạn mục của Duy Nghĩa. Đó là chưa kể đến các dự án khu đô thị Nồi Rang, các khu tái định cư, các Đồ án quy hoạch ven biển, ven sông, du lịch sinh thái…, đang hình thành với hy vọng sẽ trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu...
Trụ sở cơ quan xã Duy Nghĩa Đô thị Duy Nghĩa trong tương lai
Đi giữa làng quê Duy Nghĩa hôm nay lòng bỗng trào dâng cảm xúc lạ thường. Những ước mơ, khát vọng cho Duy Nghĩa trở thành đô thị một ngày nào đó không xa sẽ trở thành hiện thực./.
|